Độc đáo lễ hội năm làng Mọc cổ truyền của dân tộc ngay tại thủ đô Hà Nội
Kẻ Mọc nằm bên bờ sông Tô Lịch, ở phía Tây Nam của thành Đại La xưa, Thăng Long – Hà Nội ngày nay. Cả vùng Kẻ Mọc gồm 5 làng là: Giáp Nhất, Quan Nhân, Chính Kinh, Cự Lộc và Phùng Khoang, nay thuộc 2 phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Cứ 5 năm một lần, người dân 5 làng Mọc lại mở hội vào 2 ngày là 12 và 13/2 m lịch. Hội Mọc mỗi năm là do một làng đứng ra đăng cai tổ chức, và năm 2015 là đến lượt làng Chính Kinh mở màn khai hội. Từ sớm, công tác chuẩn bị lễ lạt cho khai hội đã hoàn tất.
Với tâm thức hướng về cội nguồn, lễ hội 5 làng Mọc được tổ chức trên tinh thần cộng đồng và ứng xử giao tiếp giữa các làng. Trong đó, lễ rước là một trong những nghi thức tín ngưỡng quan trọng nhất. Vào ngày khai hội, các làng sẽ rước Thánh lễ tại đình làng mình rồi sau đó rước tới đình làng đăng cai lễ hội năm đó.
Không gian lễ hội bắt đầu từ đình làng đăng cai và mở rộng ra ở cả năm làng, cùng các vùng phụ cận. Sau khi hoàn tất một số nghi lễ như: Lễ mở cửa đình, lễ rước nước và lễ mộc dục, lễ y phong (mặc áo Thánh) là chính thức bước vào lễ hội.
Vào chính lễ hội năm làng Mọc (11/2), từ mờ sáng, kiệu, rồng, sư tử, bát bửu, chấp kích, cờ quạt, đội tế, đội dâng hương… đi theo nhịp trống, nhạc bát âm từ đình Phùng Khoang đến đình Giáp Nhất. Đoạn đường rước dài trên 3km, đi qua làng nào đoàn rước của làng đó ra đón mừng rồi nhập cuộc. Đoàn rước của năm làng nối tiếp nhau dài trên một cây số với một biển cờ, quạt, hương án, long đình, voi nan, ngựa gỗ… đội múa rồng, múa sư tử, ông thổ, ông địa phe phẩy quạt ở giữa. Trong hội có nhiều trò chơi: đánh vật, chọi gà, chơi cờ tướng, hát chèo…
Lễ hội năm làng Mọc truyền thống – mà ngày nay là khu vực Thanh Xuân – càng giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc hơn về văn hoá dân gian thủ đô, xa hơn là văn hoá dân tộc; giúp chúng ta có ý thức hơn trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy truyền thống ấy. Lễ hội 5 làng Mọc năm nay hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách thập phương nhiều điều thú vị.
0
Trả lời