Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo lối kiến trúc tổng hợp, giao thoa giữa nền kiến trúc Á – Âu như kiến trúc Pháp, La Mã, Thái, Miên và Chàm.
Chùa Vĩnh Tràng nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang khoảng 3km.
Trước kia, chùa vốn là một thảo am do ông Tri huyện Bùi Công Đạt xây cất vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng trụ trì đã tổ chức xây dựng thành ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Tràng. Kế vị trụ trì là Hòa thượng Thích Thiện Đề. Khi ngài viên tịch, ngôi chùa hương tàn khói lạnh.
Chùa Vĩnh Tràng được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự, như các chùa Hoa nhưng chùa Vĩnh Tràng có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Nhìn tổng quan bên ngoài, kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa Á và Âu một cách lạ mắt nhưng hài hòa. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong chùa vẫn mang đậm lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.
Chùa Vĩnh Tràng có diện tích khoảng 2 hecta gồm nhiều khu vực như Phật đài A di đà, chánh điện chính, đài quân âm, vườn tháp, phòng phát hành kinh sách,… Ngoài ra trong khuôn viên chùa có sân kiểng, ao sen và nhiều cây cổ thụ cao lớn và vườn cây ăn trái luôn rợp bóng mát.
Điều đầu tiên đập vào mắt du khách khi đến viếng thăm chùa là vẻ đẹp tráng lệ của cổng Tam quan do những nghệ nhân xứ Huế thực hiện vào năm 1933. Nét độc đáo của cổng Tam quan này thể hiện ở nghệ thuật ghép mảnh sành, mảnh sứ để tạo nên những bức tranh với màu sắc hài hòa, minh họa những sự tích nhà Phật, những truyện dân gian và những đề tài tứ quý, tứ linh, hoa lá…
Các gian nhà đều được làm bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao và xung quanh xây tường vững chắc. Bên trong chùa có nhiều bao lam, hoành phi và câu đối cẩn bằng miếng chai nổi mầu sắc óng ánh trông rất đẹp. Các bao lam được chạm trổ công phu, tinh tế, điển hình là bộ bao lam Bát tiên kỵ thú đặt ở gian giữa.
Phía trong gian chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai gian này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa, hòn non bộ này phác họa lại cảnh thiên nhiên sinh động mang bản sắc Việt Nam, điều đó chứng tỏ rằng tổ tiên ta nhễ muốn đưa thiên nhiên vào tận nhà. Đúng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau gian chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ của Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.
Chùa Vĩnh Tràng có 3 tượng đồng (Di Đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19; bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng, do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng 1907-1908. Ngoài ra, còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 1,2m, nặng khoảng 150kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên thân có khắc chữ “Vĩnh Trường Tự”. Rất tiếc là chuông không còn sử dụng được vì nằm lâu dưới nước trong thời gian bị thất lạc.
Tóm lại, bằng những vật liệu gỗ, những nhà kiến trúc, nhà điêu khắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chạm khắc những hình tượng mang màu sắc tôn giáo huyền ảo, thoáng đượm vẻ vương quyền, qua đó ta thấy được những công trình điêu khắc của người xưa – qua những hình tượng sống động ấy ta thấy rõ cuộc sống vui tươi và ý chí vươn lên của dân tộc Việt Nam – một dân tộc tự nhận mình là dòng dõi con rồng cháu tiên thể hiện qua chạm khắc hình tượng tứ linh.
Là một công trình mỹ thuật độc đáo, chùa Vĩnh Tràng được công nhận là di tích lịch sử văn hóa và là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây Nam bộ.
0
Trả lời