Khi nhắc đến chợ nổi miền tây sông nước bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh đặc trưng của người dân nơi đây.
Do vị trí địa lý nên người dân miền Tây chủ yếu đi lại trên sông nước, hàng hóa thường được mang lên ghe, chở ra một đầu mối ở sông để mà bán, từ đó chợ nổi ra đời! Dù rằng miền Tây có rất nhiều chợ nổi với những nét đặc thù khác nhau, nhưng Ngã Bảy, Cái Răng, Cái bè và Ngã Năm với vị trí địa lý phù hợp đã trở thành bốn chợ nổi sôi động và có tiếng nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ở miền Tây, hầu như vùng sông nước nào cũng có chợ nổi. Chợ ở đây có khi chỉ là dăm ba thuyền mua bán trên sông và cũng có khi là cả một cái chợ lớn tụ tập đông đúc nơi ngã ba sông lớn.
Đi chợ nổi lúc sáng sớm cũng là lúc du khách thấy được rất nhiều cảnh mua bán tấp nập của người dân trên chiếc xuồng nhỏ, còn khi đi muộn thì chợ chỉ còn lại những thuyền lớn của thương lái ở lại để đón buổi chợ hôm sau. Có thể nói, chợ nổi chẳng thiếu thứ gì. Bánh mì, bánh bao, bún, hủ tiếu, trái cây, rau củ, vé số… bạn có thể mua bất cứ thứ gì, từ to đến nhỏ ở chợ nổi.
Chợ nổi miền tây sông nước nhóm họp cả ngày nhưng đông nhất là vào buổi sáng, khi trời còn mát, sương giăng bảng lảng mặt sông và nắng hãy còn dìu dịu. Đi chợ nổi phải đi thật sớm. Bởi khi mặt trời lên cao, bắt đầu nắng gắt, là chợ vãn khách rồi. Còn gì thư thái và thoải mái hơn khi giữa tinh sương ngày mới được dập dềnh trên chiếc xuồng ba lá len lỏi giữa chợ họp trên sông đông vui, tấp nập, căng lồng ngực hít không khí trong lành của gió mang hương cây trái và sông nước miền Nam.
Không giống như chợ trên bờ, những ghe hàng trên chợ nổi không nhất thiết phải quy tập từng khu theo loại hàng. Đặc biệt nhất là hình thức “bẹo lá bán ghe”. Nếu gặp chiếc ghe “bẹo” một tấm lá lợp nhà nghĩa là người chủ muốn bán chiếc ghe ấy. Các ghe bán hàng dạo thì thay hình thức “bẹo” hàng bằng âm thanh của những chiếc kèn. Có người bấm kèn bằng tay (loại kèn nhỏ, bằng nhựa), có người vừa chèo vừa dùng chân đạp lên kèn (loại kèn lớn, còn gọi là kèn cóc). Ghe hàng len lỏi vào bến đậu của các ghe lớn với nhiều tiếng kèn khác nhau, làm cho khu chợ thêm rộn rã, xao động.
Nếu như chợ trên bờ được khách hàng biết đến qua những tiếng rao bán thì chợ nổi miền tây sông nước chỉ sử dụng những tín hiệu: Các sản phẩm miệt vườn được treo lên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào cây bẹo là có thể biết ngay ghe bán thứ gì! Và hình như quán xá cũng theo người xuống nhóm họp trên sông, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn đậm chất dân dã như bánh tét, bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu sườn, café, ….
Lúc tinh sương ấy, thư thả ngồi trên chiếc ghe nhỏ len lỏi giữa chợ nổi miền tây sông nước xem bà con buôn bán và thưởng thức cà phê, ăn tô bún cua ngay trên xuồng sẽ mang lại cảm giác tuyệt vời khiến không du khách nào muốn bỏ qua.
0
Trả lời