Đàn Shamisen hay Samisen là một nhạc cụ truyền thống có mặt tại Nhật Bản từ thế kỷ 16, người ta thường sử dụng nó trong những buổi biểu diễn múa hát hoặc diễn kịch.
Đàn Shamisen là một loại nhạc cụ ba dây, được chơi với một miếng gẩy đàn được gọi là bachi. Ở Việt Nam, loại đàn còn có tên gọi khác là đàn tam.
Có chiều dài tương tự với guitar nhưng đàn Shamisen cổ loại đàn này mỏng hơn và không có phím. Thân hình chữ nhật giống mặt trống của cây đàn được bọc da ở mặt trước và sau giúp khuếch đại âm thanh khi gẩy đàn. Da đàn thường được làm bằng da chó hoặc da mèo nhưng trong quá khứ có một loại giấy đặc biệt được sử dụng và nhiều loại nhựa cũng được dùng để làm mặt đàn. Dây đàn thường được làm bằng lụa, gần đây thì nylon cũng được sử dụng làm dây đàn.
Dựa vào kích thước to nhỏ của cổ đàn mà người ta phân loại đàn shamisen. Có 2 loại đàn shamisen phổ biến là Hosozao và Futozao. Hosozao có nghĩa là cổ đàn mảnh, là loại đàn nhỏ nhất trong gia đình shamisen. Âm thanh của nó rất êm tai. Futozao có nghĩa là cổ đàn to, âm thanh phát ra từ chiếc đàn này mạnh mẽ và lớn hơn nhiều so với đàn hosozao. Đàn hosozao được dùng để đệm cho thể loại nhạc Nagauta hay còn gọi là Trường ca và trong các buổi trình diễn tuồng Kabuki. Trong khi đó, đàn Futozao thích hợp với sân khấu kịch rối Bunraku.
Âm thanh của Shamisen rất nhẹ nhàng và tinh tế. Tiếng đàn có thể mô phỏng âm thanh của tự nhiên như tiếng gió thổi, nước chảy hay biểu lộ tâm trạng của con người.
Trước đây, các geisha sử dụng đàn shamisen để phục vụ nhu cầu giải trí của tầng lớp quý tộc Nhật Bản và samurai. Ngoài kỹ năng múa, hát, cắm hoa, tiếp rượu, hầu chuyện, các cô gái muốn trở thành geisha phải học cách chơi đàn shamisen. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc với tất cả geisha và phải mất nhiều năm mới có thể thành thục.
Không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước, Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức các show diễn với đàn shamisen đến các quốc gia trên thế giới.
0
Trả lời