Tại Vạn An Thạnh ở Đảo Phú Quý còn lưu giữ gần 100 bộ xương cốt (gồm cá voi, rùa da). Có thể coi đây là một bảo tàng Hải dương học với những bộ sưu tập phong phú về cá voi.
Vạn An Thạnh ở Đảo Phú Quý là di tích kiến trúc tôn giáo liên quan đến tín ngưỡng ngư nghiệp. Vạn ẩn mình dưới những hàng dừa xanh bao phủ, hướng chính quay về phía nam nhìn thẳng ra biển khơi.
Lâu nay, ngư dân Phú Quý có một niềm tin tưởng mãnh liệt vào sự linh hiển của cá Ông (cá Voi) và coi đó là vị thần cứu trợ luôn ở bên cạnh họ trong những chuyến biển đầy hiểm nguy. Trong ngư dân Phú Quý lưu truyền rất nhiều sự tích nói về sự linh thiêng của Thần Nam Hải. Những sự tích đó được đúc kết dưới dạng những câu thơ, bài hát, điệu hò dân gian.
Với gần 100 bộ hài cốt cá ông, rùa biển đủ niên đại, kích cỡ, Vạn An Thạnh là nơi có một bộ sưu tập phong phú về cá ông rất có giá trị trong việc nghiên cứu sinh vật biển đối với các nhà hải dương học. Tại Vạn còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới (tương truyền lúc cá mới dạt vào bờ nặng khoảng 40 tấn). Đây là bộ xương cá Voi lớn thứ hai ở Bình Thuận (sau bộ xương cá Voi ở Vạn Thủy Tú, Phan Thiết). Hiện nay, Vạn An Thạnh được Nhà nước và nhân dân đầu tư trên 8 tỉ đồng để trùng tu xây dựng Vạn và Nhà trưng bày xương cá Voi cùng một số hạng mục khác.
Ngoài những giá trị văn hóa dân gian truyền thống Vạn An Thạnh là một Bảo tàng văn hóa biển tồn tại đã 219 năm (tính đến năm 2010), với nhiều sưu tập những chủng loại cá voi và rùa da. Có thể xếp vào hạng các Bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới. Trong những năm gần đây nhiều nhà nghiên cứu về Hải dương học, những đoàn khách du lịch nước ngoài đến đảo đã rất thích thú về việc bảo quản, giữ gìn di vật trong Vạn An Thạnh.
Mỗi dịp lễ hội, nhân dân về Vạn An Thạnh ở Đảo Phú Quý rất đông; trước là dâng nén hương tạ ơn thần Nam Hải, sau gặp gỡ trao đổi việc làm ăn trong năm qua và xem hát bội.
0
Trả lời