Mỗi độ hoa đào chớm nở trên những vách đá cheo leo hay trước cửa nhà, khi mà những con đường tràn ngập màu sắc rực rỡ của người phụ nữ, của mầu hoa cỏ, người Mông vùng cao Tây Bắc lại nhộn nhịp đón tết cổ truyền của dân tộc mình.
Đối với người Mông, những người sống trên những rẻo cao của Tổ quốc vốn đã ít những ngày lễ tết, nên vì thế dịp Tết Mông là ngày được mong đợi nhất, đây là kỳ nghỉ ngơi sau 1 năm lao động vất vả hăng say. Thực tế theo cách tính khác nhau về số lượng ngày của các tháng mà tết người Mông thường diễn ra trước tết Nguyên Đán 1 tháng. Tuy nhiên hiện tại thì rất nhiều nơi đã gộp tết người Mông cùng tết Nguyên Đán và cũng còn lại một số nơi vân duy trì đón tết theo ngày truyền thống.
Khi mà trước tết của người Kinh 1 tháng, các làng các bản người Mông đã nhộn nhịp không khí mừng năm mới trên khắp con đường hay trước những ngôi nhà thấp thoáng trên những sườn đồi. Khi mà trong mỗi nhà, thóc lúa, ngô khoai đã đầy bồ, lợn gà, trâu bò đầy chuồng… người Mông lại chuẩn bị đón một cái tết đoàn viên. Trong vòng 1 tháng, người lớn không phải lên nương, trẻ con vui đùa, các gia đình rộn ràng tổ chức ăn uống, ca hát từ nhà này sang nhà khác…
Tết người Mông vẫn giữ được những nét đặc sắc và độc đáo của riêng nó với những lễ hội, hay những món ăn đậm đà bản sắc vô cùng hấp dẫn. Trong đó có món bánh Dày, một loại bánh truyền thống mà gia đình nào cũng tự tay làm nó như một món ăn không thể thiếu trong dịp lễ này của dân tộc mình hay là một món quà quý tặng bạn bè thân thiết. Bánh dày được làm rất kỳ công, trải qua rất nhiều công đoạn từ chọn gạo, hấp xôi… đến giã bánh dày thật nhanh thật khéo cùng với công sức của những thanh niên trai tráng trong gia đình. Món bánh cũng thể hiện sự công phu của những con người H Mông quanh năm lam lũ, vất vả gắn bó với ruộng nương, gói ghém những khát vọng về cuộc sống ấm lo, sung túc. 6 cặp bánh đầu tiên làm được gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong năm sẽ được gia chủ dâng lên trời đất và vị thần mùa màng. Những chiếc còn lại sẽ để gia đình thưởng thức và thiết đãi khách quý.
Người Kinh đón năm mới tại thời khắc giao thừa còn người Mông đón năm mới bằng tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1. Người Mông quan niệm rằng vào ngày này, người đàn ông sẽ làm thay mọi việc cho người phụ nữ từ cho lợn gà ăn, quét tước đến nấu những bữa cơm đầu tiên của năm mới vì họ là những người trụ cột của gia đình và phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả 1 năm. Trong 3 ngày tết, người Mông có phong tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân những người bạn trong lao động, sản xuất. Từ ngày mùng 4, họ bắt đầu chơi tết. Họ diện những bộ váy áo đẹp nhất để đi chơi xuân. Trên khắp rẻo đường vùng cao, những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu hoà cùng với màu trắng thanh khiết của ho mơ hoa mận, màu hồng của hoa đào… tạo nên những vẻ đẹp tuyệt vời trong tiết xuân.
Trả lời