Pha Luông được ví như nóc nhà của Mộc Châu(Sơn La) với địa hình chỉ cao 2.000m so với mực nước biển. Tuy nhiên điều đặc biệt ở đây không hẳn là độ cao. Vùng đất rộng cả hecta trên đỉnh núi giống như một thế giới khác, tách biệt địa hình rừng núi rậm rạp xung quanh. Những vách đá dựng đứng với nhiều vết nứt kiến tạo càng khiến nơi đây hùng vĩ và độc đáo.
Trên đường đi, vì mải mê ngắm hoa, chụp hình và rồi điều tệ hại đã xảy ra, chúng tôi bị lạc. Người bạn dẫn dù đã đi nhiều lần, nhưng đây cũng là lần đầu đi lên với đường này nên hoàn toàn đi theo định vị phương hướng.
Chúng tôi lạc lối, đi mãi mà không tới đích, mất hoàn toàn lối mòn. Theo lịch trình dự kiến thì chỉ mất tầm 4 giờ leo là lên tới đỉnh, nhưng tới quá trưa chúng tôi vẫn mò mẫm trong rừng.
Tại cao độ này, khu rừng xen lẫn với hàng ngàn những thân tre trúc mảnh khảnh. Chúng tôi phải phát cây và lần mò trong rừng rậm, cảm giác lạc đường với cái bụng đói khát thật là khó chịu.
Những phiến đá xếp chồng với nhiều hình dáng kỳ lạ. Một trong số chúng được khắc hình rồng rất huyền bí.
Trong rừng còn vô số những đàn ruồi đen bé xíu, vo ve và vây bám lấy đám người lạc lối. Người bạn dẫn còn phải trèo lên ngọn cây cao nhằm xác định phương hướng. Và khi định vị được vị trí nơi mình đứng, chúng tôi quyết định mở đường lần mò thẳng hướng tới đỉnh núi. Thật may là thời tiết nắng nhẹ, gió mát và khô ráo, nếu không thì chúng tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Và cuối cùng, điều mong chờ nhất đã tới. Khi vượt qua khu rừng trúc rậm rạp là một khoảng không gian thoáng đãng. Cả hội hò hét trong vui sướng, vậy là sau nhiều giờ lần mò trong rừng rậm chúng tôi đã lên tới đỉnh Pha Luông.
Đỉnh Pha Luông là một vùng núi đá với bề mặt khá phẳng và rộng hàng hecta, tách biệt với khu rừng rậm. Chỉ có điều chúng tôi không khỏi tiếc nuối và xót xa khi dẫm chân lên thảm hoa đỗ quyên cháy rụi chưa lâu. Những thảm cây đỗ quyên rộng lớn, dường như đã trải qua một vụ cháy thảm khốc. Thật tiếc, nếu còn, đây sẽ là khu đồi hoa đỗ quyên nở rộ và rộng lớn nhất mà tôi biết.
Chỉ còn những khóm hoa, chênh vênh bên bờ vực sâu hun hút. Bờ vực đá hùng vĩ mà kỳ ảo quá đỗi so với trí tưởng tượng của tôi. Phía dưới vực là khu đồi rộng lớn phía nước bạn Lào, thấp thoáng xa xa những mái nhà. Đứng nơi đây tôi mới thấy rõ hơn những xúc cảm mà nhà thơ Quang Dũng với vần thơ Tây Tiến năm nào:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi”
Điều đặc biệt nữa là nhìn từ đỉnh tôi thấy rõ ranh giới với nước bạn Lào.
Và những cơn gió Lào mạnh mẽ cuộn thốc từ đáy vực lên khiến tôi có cảm giác phiêu bồng. Hôm nay là một ngày khá lặng gió, vậy mà đôi lúc những cơn gió mạnh cũng khiến người đứng không vững. Người bạn tôi thử tung chai vỏ nước xuống vực mà lại bị hất ngược về phía sau. Thêm nữa, trời nắng nhưng nếu trong xanh, có mây nữa thì khung cảnh sẽ huyền ảo hơn nhiều.
Nơi đây không hề vắng lặng, mà trái lại có vô vàn những cặp đôi người Mông lên đây vui chơi. Được biết, đây là khu vực người Mông lấy làm địa điểm hẹn hò. Họ diện những bộ váy áo rực rỡ, vui đùa với những bó hoa đỗ quyên to.
Hẻm vực núi này, cũng có nhiều câu truyện kể về những chàng trai cô gái yêu nhau nhưng bị gia đình ngăn cấm nên gieo mình xuống vực. Những câu chuyện kỳ bí về đêm trên đỉnh Pha Luông khiến những ai có ý định qua đêm nơi đây chùn bước.
Trên đỉnh núi còn có một hòn đá lớn với vết khắc hình con rồng độc đáo mà không biết có tự bao giờ. Tuy nhiên trên phiến đá tôi cũng bắt gặp những dấu tích bằng phấn bút không đẹp đẽ gì của những người du lịch, khoe chiến tích lên tới đây.
Vì lạc đường, chúng tôi có ít thời gian vui chơi hơn. Gấp rút về trước khi trời tối nên đành lỡ hẹn ra thăm quan cột mốc biên giới. Theo lối chân một đôi bạn người Mông đi về, chúng tôi nhanh chóng rời khỏi đỉnh.
Khu vực quanh đỉnh có nhiều khe nứt gãy địa chất, với vực sâu hun hút mà nếu chỉ sơ xảy thì hậu quả khôn lường. Xuống bằng đường chính thống, dốc hơn nhiều so với lối mở đường mà chúng tôi đi lạc. Tuy thế tốc độ nhanh hơn nhiều so với khi lên. Đôi bạn người Mông quen leo rừng, thoáng cái chúng tôi đã bị họ bỏ mất dấu.
Xuống chân rừng, khi mà những tia nắng chiều dần buông nơi đỉnh núi. Mặt trời chiếu những tia nắng vàng vọt, phản chiếu xuống những nương ruộng mùa đổ nước. Tôi bắt gặp những người dân bản đi làm nương về, trò chuyện với họ về cuộc sống vất vả, về đỉnh Pha Luông huyền bí.
Tất cả khiến cho hành trình như ngắn lại. Ngoảnh lại phía sau lưng, đỉnh Pha Luông vẫn ở đó kỳ ảo vươn mình như đầu rùa trên nền rừng xanh thẳm. Hẹn gặp lại Pha Luông một ngày không xa, nhất định là như thế.
KINH NGHIỆM LEO PHA LUÔNG:
– Tới chân núi Pha Luông có hai đường. Một là đường từ hướng rừng Xuân Nha, điểm đầu cách thị trấn Mộc Châu chừng 40km và hành trình leo núi có phần sang đất bạn Lào. Hiện đường này đã bị cấm hoàn toàn.
Đường thứ hai là hướng từ cửa khẩu Lóng Sập, bản Pha Luông, đây là hướng mà những người dân bản địa vẫn thường đi. Đường thứ hai ngắn hơn, nhưng dốc và hoàn toàn đi trong rừng rậm Xuân Nha.
– Đỉnh Pha Luông không quá cao nhưng khá dốc, chính vì thế không dành cho người thiếu kiên nhẫn.
– Phải xin phép đồn biên phòng trước khi leo và chắc chắn là cần dẫn đường nếu như chưa từng đi.
– Hoàn toàn có thể lên và xuống đỉnh Pha Luông trong vòng 1 ngày. Hiện tại vẫn chưa được phép qua đêm trên đỉnh Pha Luông vì tình hình an ninh phức tạp.
Trích phượt kí của Ngô Huy Hoàng – Hachi
0
Trả lời