Với những giá trị lịch sử to lớn, ngày 10 tháng 5 năm 2012, khu di tích lịch sử Tân Trào ở Tuyên Quang đã được công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt.
Khu di tích lịch sử Tân Trào ở Tuyên Quang nằm trên địa bàn các xã: Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (huyện Sơn Dương); Kim Quan, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh, Đạo Viện, Công Đa, Phú Thịnh (huyện Yên Sơn). Đây cũng là địa bàn giáp gianh giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.
Chiến khu Tân Trào là khu di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng Tám. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải phóng, nơi Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc ngày 13 tháng 8 năm 1945 để quyết định tổng khởi nghĩa.
Trong những năm 1941-1943, đội Cứu quốc quân II từ khu căn cứ Bắc Sơn-Võ Nhai đã phát triển đến Tuyên Quang, xây dựng phong trào Việt Minh, thành lập đội du kích ở các huyện.
Đầu năm 1944, khu căn cứ địa đã hình thành, nối liền các tỉnh Việt Bắc. Phân khu Nguyễn Huệ (Phân khu B) ra đời gồm các huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang); Đại Từ, Định Hoá và một phần huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên); Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), lấy Sơn Dương làm trung tâm. Đội Cứu quốc quân III được thành lập tại Khuổi Kịch, xã Tân Trào (25/2/1945) làm nòng cốt cho việc xây dựng phát triển lực lượng vũ trang trong toàn Phân khu.
Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đó là làng Tân Lập (xã Tân Trào, huyện Sơn Dương), cách trung tâm thị trấn Sơn Dương 15km về phía nam. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử đặc biệt quan trọng thời kỳ tiền khởi nghĩa như cây đa Tân Trào – biểu tượng cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng. Dưới gốc đa này, chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc Bản Quân lệnh số 1 và ngay sau đó, quân Giải phóng đã làm lễ xuất quân, lên đường qua Thái Nguyên tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của nhân dân xã Tân Trào cùng 60 đại biểu toàn quốc về dự Quốc dân Đại hội.
Khu di tích lịch sử Tân Trào ở Tuyên Quang, chiếc nôi của cách mạng, “Thủ đô lâm thời Khu giải phóng” khi xưa, nay lại được chọn làm “Trung tâm thủ đô kháng chiến”, nơi đặt trụ sở làm việc của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều bộ, ban, ngành Trung ương.
Chiều ngày 16/8/1945, dưới bóng đa Tân Trào, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Uỷ ban khởi nghĩa, chỉ huy đơn vị giải phóng quan tiến sang Thái Nguyên và tiến về giải phóng thủ đô Hà Nội.
Trong hai ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại đình Tân Trào, Đại hội đã thông qua Nghị quyết giành chính quyền trong cả nước; 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh; bầu Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định quốc kỳ, quốc ca.
Khu di tích lịch sử Tân Trào ở Tuyên Quang đã đi vào lịch sử, là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang nói riêng và nhân dân cả nước nói chung
0
Trả lời