Dinh mộ Thầy Nại ở đảo Phú Quý được xây dựng từ thế kỷ 17, đây được xem là chỗ dựa tinh thần của cư dân vùng biển.
Tuy diện tích nhỏ hẹp nhưng Phú Quý luôn tự hào với bề dày lịch sử của mình, với hơn 30 di tích tín ngưỡng dân gian đủ mọi loại hình như: đình, chùa, đền miếu, lăng, vạn… cùng nhiều lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc gắn liền với đời sống tâm linh của cộng đồng dân cư Phú Quý.
Dinh mộ Thầy Nại nằm trên một ngọn đồi cao thuộc thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý, xây dựng từ thế kỷ 17. Qua hơn 3 thế kỷ tồn tại, đền thờ Dinh mộ Thầy Nại đã được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Dấu ấn của người Hoa trên đảo Phú Quý còn lưu lại khá rõ nét với khá nhiều các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa được tạo lập và trải qua thời gian được người Việt kế tục thờ phụng như: lăng mộ và đền thờ thầy Sài Nại, thờ Quan Thánh đế quân…Đặc biệt, thầy Sài Nại đã được người dân trên đảo kính trọng, tôn thờ trong nhiều thế kỷ qua và được coi là một trong những vị thần hiển linh nhất gắn chặt với niềm tin và tín ngưỡng của cộng đồng người dân trên đảo qua nhiều thế hệ.
Giá trị, tầm quan trọng và tính linh thiêng của đền thờ được thể hiện rõ qua tập tục được nhân dân 9 làng ở 3 xã luân phiên nhau gìn giữ, thờ phụng. Mỗi làng được luân phiên thay nhau lưu giữ sắc phong, trông nom đền thờ và cúng tế thầy Sài Nại trong một năm.
Những ngày này dân trong 9 làng trên đảo tụ tập về rất đông đủ, vì đây là lễ hội truyền thống của người dân trên đảo. Không ai bảo ai, người già thì lo việc cúng tế, các mẹ, các chị thì lo việc nấu nướng, thanh niên trong làng thì chuẩn bị cờ làng đi hai bên để rước sắc về.
Đây là một tập tục, một nghi thức lạ lẫm, độc đáo và rất có ý nghĩa ở Phú Quý mà những nơi khác chưa hề có, bởi đây là tài sản vô giá và thiêng liêng, là tài sản chung của người dân toàn đảo chứ không phải của riêng một làng nào. Đặc biệt là đến nay nhân dân Phú Quý còn lưu giữ 8 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn ban tặng cho thầy Sài Nại.
Lễ hội diễn ra tại đền thờ hàng năm thu hút đông đảo các cộng đồng người dân trên đảo tham gia với tinh thần, thái độ thành kính và là chỗ dựa không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh từ xưa đến nay của nhân dân trên đảo.
0
Trả lời