Kyoto vào thu cảnh sắc mọi nơi được ví như tranh vẽ với những đường nét. mềm mại của những công trình kiến trúc cổ như Chùa Thanh Thủy Kiyomizu.
Là một trong số ngôi chùa cổ còn giữ lại được từ thời kỳ Nara (năm 710 – 794), Kiyomizu Dera (hay Thanh Thủy Tự) có diện tích rộng lớn với kiến trúc thiết kế đặc biệt luôn thu hút du khách. Thời điểm hoa anh đào nở rộ được coi là mùa cao điểm tham quan của ngôi chùa khi lượng khách lúc nào cũng đông đúc.
Tên Kiyomizu-dera bắt nguồn từ nguồn nước chảy vào con thác Otowa liên tục kêu vang không ngừng trong núi Otowayama (trong tiếng Nhật, Kiyomizu có nghĩa là dòng suối trong). Thánh nhân Enchin – người sáng lập nên ngôi chùa này và cư sĩ (người tu tại gia) Gyoei – ông tổ của ngôi chùa, đã tu hành khổ hạnh dưới dòng thác chảy này.
Người ta tin rằng cả 3 ngọn thác ở nơi này đều rất linh nghiệm về “trường thọ”, “tình duyên”, “học hành thành đạt”, nếu người chiêm bái uống một ngụm nước ở một trong ba dòng nước trên thì điềm may sẽ đến. Ngược lại, nếu uống 2 ngụm thì sự linh ứng sẽ giảm đi một nữa, uống 3 ngụm thì vận tốt chỉ còn một phần ba. Hơn nữa, nếu tham lam mà uống nước ở cả 3 dòng thì hoàn toàn sẽ không linh nghiệm. Điều này được đúc kết thành lời răn dạy từ xa xưa. Trước khi uống nước thiêng ở dòng thác, hãy chắp tay khấn vái cư sĩ Gyoei đang được thờ phía sau thác nước để thể hiện lòng tôn trọng trang nghiêm và thành tâm muốn xin dòng nước tinh khiết này.
Trước khi lên đường vào chùa, du khách sẽ rửa tay và súc miệng tại một chậu nước lớn bằng đá gọi là temizuya nằm ở bên đường Sando. Hành động này mang ý nghĩa là gột rửa bản thân trước khi vào trong chùa.
Chính điện Chùa Thanh Thủy Kiyomizu là bảo vật quốc gia, còn nổi tiếng với tên gọi khác là “Vũ đài Kiyomizu”. Vũ đài này là bộ phận trung tâm của hành lang phụ cắt ngang chính điện – nhô ra từ vách đá. Nó được chống đỡ bởi 139 cây cột bằng gỗ Zelkova và hoàn toàn không sử dụng đinh. Đây chính là vũ đài được nhắc đến trong câu thành ngữ “Nhảy từ vũ đài chùa Kiyomizu” (thể hiện quyết tâm khi làm một điều gì đó). Nguồn gốc ra đời của câu thành ngữ này được cho rằng: vào thời Edo, hình thức cầu nguyện bằng cách nhảy từ vũ đài Kiyomizu đã rất thịnh hành. Thời đó, có một tín ngưỡng dân gian là nếu giao sinh mệnh cho phật bà Quan Âm và nhảy xuống thì lời cầu nguyện về sinh mệnh sẽ thành hiện thực. Hiện tại, người ta sử dụng câu nói “Nhảy từ vũ đài chùa Kiyomizu” khi có điều gì cần quyết tâm thực hiện. Quả thực, không chỉ có niềm tin mà còn cần cả động lực và dũng khí mới dám nhảy từ độ cao như thế.
Chùa Thanh Thủy Kiyomizu có hai hòn đá tình yêu. Tương truyền rằng, nếu nhắm mắt và đi từ hòn đá này chạm được đến hòn đá kia, bạn sẽ tìm được tình yêu đích thực. Những ai đã có người yêu, nếu nhắm mắt nghĩ về người yêu và chạm được vào hòn đá thì tình yêu ngày càng bền chặt.
Đây là ngôi chùa cổ nhất ở Kyoto và được rất nhiều du khách ghé thăm mỗi năm. Nếu chỉ dạo chơi ở khu vực cổng và tòa tháp Chùa Thanh Thủy Kiyomizu thì bạn sẽ không phải bỏ ra một chi phí nào cả, đặc biệt vào những ngày mùa xuân hoa anh đào nở đây cũng là một địa điểm được rất nhiều người yêu thích.
0
Trả lời