Là vùng đất có rất nhiều dân tộc sinh sống do vậy bản sắc vô cùng đa dạng. Một trong những dân tộc bạn nên ghé qua đó là Bộ tộc cổ dài ở Chiang Mai.
Bộ tộc cổ dài ở Chiang Mai nằm trong một thung lũng, do chính phủ Thái Lan xây dựng với mục đích thu hút du khách, như một trong những điểm đến văn hóa-du lịch “đặc sản” của miền Bắc Thái Lan. Đến nơi đây, du khách có cơ hội tìm hiểu phần nào đời sống, nét văn hóa, phong tục tập quán của bộ tộc cổ dài Karen.
Ngôi làng chỉ có khoảng 50 người dân sinh sống nên chỉ có một số ít những căn nhà sàn thô sơ là nơi sinh sống của các gia đình và cũng là địa điểm homestay yêu thích của du khách muốn qua đêm ở đây. Tiến sâu vào trong làng, bạn sẽ bắt gặp những người phụ nữ, những bé gái đeo quanh cổ, cổ tay và cả chân những chiếc vòng bằng đồng nặng trĩu. Phụ nữ Karen không chỉ đeo vòng ở cổ để giữ cho chiếc cổ được dài thêm mà họ còn đeo thêm ở các vị trí khác trên cơ thể vì những quan niệm vòng đeo càng nhiều thì người phụ nữ đó càng xinh đẹp và hấp dẫn.
Trong lịch sử, cư dân sống ở bản Kayan có tổ tiên là thổ dân Khumlen sống bên Myanma di cư sang Thái Lan từ thế kỷ 17. Dân tộc này vẫn duy trì chế độ mẫu hệ và theo quan niệm cổ càng dài thì càng đẹp và danh giá, tránh được thú dữ và không thể trốn khỏi làng (phụ nữ Kayan không được lấy người khác làng). Mỗi bé gái sinh ra đều được cả làng cho là phúc. Các gia đình khi đến chúc mừng đều mang đồng hoặc vàng đến làm quà. Cha mẹ em đúc sẵn những chiếc vòng đeo cổ bằng đồng, khi bé lên năm sẽ là lễ đeo vòng đầu tiên, chiếc vòng nặng 0,5kg. Số vòng tăng dần bốn năm một lần. Từ 0,5kg đầu tiên, 1kg, 1,5 kg, 2kg…Vòng tăng cân nặng đồng nghĩa với số vòng và chiều cao của chiếc vòng tăng lên.
Sở dĩ có tập tục đeo vòng kỳ lạ như vậy bởi vì bộ tộc Karen cho rằng mình là con cháu của phượng hoàng nên cổ phải dài thì mới được coi là đẹp. Và số lượng vòng càng nhiều thì càng minh chứng thêm cho sự giàu có của bản thân gia đình người phụ nữ đó.
Mấy chục năm sinh sống trên đất Thái nhưng Bộ tộc cổ dài ở Chiang Mai vẫn giữ vẹn nguyên nét hồn túy, bản sắc và duy trì chế độ mẫu hệ qua bao đời nay. Nhưng cuộc sống của họ vẫn còn đầy nghèo khó, vất vả ở xứ người. Điều ấy có thể nhận thấy ngay trong cuộc sống giản đơn, túng thiếu ở nơi này và ngay tại cái gian chòi dựng lên một cách tạm bợ làm nơi dạy học cho lũ trẻ. Điều ấy cũng như một dấu lặng buồn vương vấn lòng mỗi du khách khi đặt chân đến địa chỉ văn hóa, du lịch này.
Trả lời