Chùa Linh Quang đảo Phú Quý là di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc trên một đồi cao tại thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh.
Ban đầu Chùa Linh Quang đảo Phú Quý chỉ là một thảo am do ông Nguyễn Cánh dựng lên để làm nơi tu hành, đồng thời cũng là nơi nương tựa tâm linh giữa biển khơi mênh mông của người dân xứ Đảo. Theo Thiền phả Chùa Linh Quang còn lưu giữ lại cho biết trước khi mất ông Nguyễn Cánh đã giao lại cho con là Nguyễn Khách ngôi thảo am này với một số pháp khí: 3 bộ kinh, 12 pho tượng Quan Thế Âm bằng đồng, 1 pho tượng Địa Tạng bằng gỗ, 1 chuông đồng, 19 đĩa sứ, 10 chén sứ và 6 cổ bòng bằng sứ.
Sau khi ngôi chùa bị cháy, nhân dân trên đảo Phú Quý tỏ lòng thành kính và đã bỏ công sức, của cải xây dựng lại chùa. Đang trong quá trình xây dựng, bất ngờ tại hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ cách đảo Phú Quý chừng 2 hải lí về phía đông nam, bỗng xuất hiện một Linh thạch (tảng đá thần) cứ vào ngày lành tháng tốt lại nổi lên, sau đó lại biến mất. Ngư dân trên đảo phát hiện và cho rằng đó là “tảng đá thần”. Các ngư dân đã bơi thuyền sang hòn Tranh lấy đá thần về xây chùa, tạc tượng để tôn thờ. Từ đó sự tích phật “Thiên Sanh” hình thành tại chùa, được tồn tại và lưu truyền trên đảo cho đến hôm nay.
Sau khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn, Nguyễn Huệ truy đuổi và thất trận đã bôn ba đến đảo Phú Quý và chọn ngôi chùa Linh Quang làm nơi thiền ngụ. Tại đây, Nguyễn Ánh (xưng Vương là Gia Long) đã xây dựng lại chùa khang trang và xoay hướng ngôi chùa này theo hướng “tọa chấn hướng đoài” như trong bát quái.
Chùa Linh Quang đảo Phú Quý là một công trình văn hóa lâu đời có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân huyện đảo. Ở đây danh lam với thắng cảnh là một, vườn chùa cùng với chùa đóng vai trò quan trọng đưa kiến trúc Phật giáo hòa nhập với thiên nhiên tạo cho ngôi chùa cổ nét gần gũi, thân quen mà không biệt lập. Giữa biển khơi nhìn về đảo, ngôi chùa nổi lên như một toà lâu đài cổ kính.
Mùa lễ hội đến với nhà chùa và nhân dân vào các dịp rằm tháng 4 âm lịch, tết thanh minh và rằm tháng 7 âm lịch. Đây là dịp cảnh chùa tưng bừng nhộn nhịp tiếp đón người dân trên đảo và du khách đến chiêm bái Phật. Không chỉ nhân dân, phật tử xung quanh tham dự mà gần như toàn bộ dân trên đảo đến tham gia lễ hội viếng Phật, lễ chùa.
0
Trả lời