Đèo Cả ở Phú Yên là một trong những con đèo khó đi và hiểm trở nhất ở nước ta. Thế nhưng chính điều đấy lại kích thích các phượt thủ với mong muốn có thể chinh phục được nó.
Đèo cao 333m, dài 12 km, cắt ngang qua dãy núi Đại Lãnh ở chỗ giáp ranh của hai tỉnh Phú Yên (huyện Đông Hòa) và Khánh Hòa (huyện Vạn Ninh), trên Quốc lộ 1A. Hiện nay đã có hầm đường bộ Đèo Cả thay thế cho đèo hiện hữu, toàn bộ đường dẫn và 2 hầm chính dài 13,5 km.
Vắt qua một trong những nhánh núi của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, cung đèo kéo từ chân núi Đá Bia đến Đại Lãnh với chiều dài khoảng 12km, trong đó 9km thuộc địa phận Phú Yên và 3km thuộc địa phận Khánh Hòa. Như con trăn khổng lồ uốn lượn giữa mây ngàn gió núi, đường đèo tuy không quá dài nhưng đến trăm vòng cua, với những khúc cua có độ dốc “trật ót”, những đoạn quanh “tức ngực” hiểm nguy.
Đèo Cả ở Phú Yên đã lừng lững đi vào những trang sử Việt từ thế kỷ XV. Năm 1471, khi mở rộng cương vực của Đại Việt, vua Lê Thánh Tông đã lấy núi Đá Bia sừng sững như cột chống trời làm ranh giới hai nước Việt – Chăm. Suốt gần 2 thế kỷ, con đường Nam tiến của Đại Việt đã bị chặn lại bởi hòa ước giữa 2 bên và phần nào đó là bởi sự hiểm trở của đèo. Mãi đến tháng Tư năm Quý Tỵ (1653), vua Chiêm Thành là Bà Tấm xâm phạm đất Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Hùng Lộc đi đánh. Bà Tấm thua trận xin hàng, chúa Nguyễn tiếp nhận vùng đất từ mũi Đá Bia đến sông cái Phan Rang đặt dinh mới là Thái Khang (nay là tỉnh Khánh Hòa). Kể từ đó, tao nhân mặc khách nước Việt đã biết đến một danh thắng của trời Nam. Để rồi năm 1836, vua Minh Mạng đã cho khắc dãy Đại Lãnh vào Tuyên Đỉnh trong hệ thống Cửu Đỉnh đặt trước sân Thái Miếu ở hoàng thành Huế. Tiếp đến, cuối thế kỷ XIX, Phan Thanh Giản – vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ trên đường về kinh đô Huế, ngang qua đèo Cả từng có bài thơ vịnh Đá Bia với tựa đề: Nhất phiến sơn đầu thạch (Mảnh đá đầu non dựng).
Trên đỉnh Đèo Cả ở Phú Yên phóng tầm mắt nhìn ra biển thấy mặt nước mênh mông mãi tận chân trời, sóng gợn lao xao, một vài hòn đảo xa gần nhấp nhô trong làn sóng bạc, phản chiếu ánh mặt trời lóng lánh.
Đường đèo nhiều vòng cua theo sườn núi nhô ra, lõm vào quanh co. Nơi nhô ra thường nằm sát biển, chỗ lõm vào có nhiều khe, thác nước chảy quanh năm từ trên cao xuống. Những lúc trời yên, gió thổi nhẹ, rừng cây lá khua xào xạc, hoà với tiếng nước chảy rì rào tạo thành khúc nhạc trầm bổng êm đềm khiến du khách qua đường thư thái tâm hồn, quên đi những phiền muộn, nhọc nhằn.
Trong số 98 vòng cua trên có đến 10 vòng cua gấp khúc nguy hiểm. Vòng cua nguy hiểm nhất là vòng cua cánh chỏ ở mỏm Đá Đen: phía trên là tảng đá màu đen tuyền dựng đứng, sừng sững như một bức tường khổng lồ, đường đèo chạy men theo sát bờ biển là một vực sâu hoắm. Đứng trên nhìn xuống thấy dòng nước sâu thăm thẳm.
Tuy hiểm trở, nhưng tuyến du lịch Đèo Cả ở Phú Yên cũng rất hữu tình, khung cảnh mở ra như một bức tranh thủy mặc được vẽ nên bằng những gam màu sống động với sự pha trộn hài hòa của đất trời và biển cả bao la… thu hút bao lữ khách dừng chân thưởng ngoạn, để rồi xao xuyến trước vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng của chốn này.
0
Trả lời