Tháp Nhạn ở Phú Yên là nơi thờ cúng thần linh của người Chăm Cổ.
Tháp Nhạn nằm bên bờ bắc sông Đà Rằng, gần quốc lộ 1A, thuộc thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn trong tiếng Ê-Đê và Jarai gọi là tháp KơHmeng là một tháp Champa nằm trên núi Nhạn, thắng cảnh tiêu biểu của Tuy Hòa, tỉnh lị của Phú Yên.
Núi Nhạn là một trong hai ngọn núi cao nhất của thành phố Tuy Hòa, đứng từ trên đỉnh có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố. Người Phú Yên vẫn kể, từ lâu, cứ mỗi độ xuân về, chim chóc ở đâu về tụ hội trên ngọn núi thiêng này rất nhiều.
Nói về nguồn gốc của Tháp Nhạn ở Phú Yên này có rất nhiều tương truyền. Có người cho rằng, xưa kia có nàng tiên nữ Thiên Y A Na giáng trần chỉ dạy cho người dân sống ở vùng đất này tất cả mọi thứ từ cấy cày, dệt vải, kéo sợi…để tìm cách mưu sinh. Sau khi tiên nữ quay trở lại cõi tiên, người dân Chăm-pa vì thương nhớ và muốn khắc ghi công ơn người khai sáng cho dân tộc mình bèn xây ngọn tháp ấy để phụng thờ.
Theo một truyền thuyết khác thì xưa kia, Tuy Hòa là vùng đầm lầy trũng thấp có nhiều thủy quái chuyên quấy phá đời sống người dân. Thấy vậy Ông Trời bèn sai người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng, bảo vệ cuộc sống cho người dân. Tuy nhiên khi lấp đã gần xong, người khổng lồ vội về nên đã gánh nhiều đá hơn làm chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai gánh rơi xuống một bên tạo thành núi Chóp Chài, một gánh tọa trên núi Nhạn.
Giống như nhiều kiến trúc tháp Chăm khác trải dọc duyên hải miền Trung, tháp Nhạn hướng về phía Đông, đó là hướng của mặt trời, thần linh, mang ý nghĩa của sự sống, sự sinh sôi này nở. Tháp được xây bằng gạch nung xếp khít với nhau, độ kết dính rất chắc nhưng hoàn toàn không thấy vết của mạch hồ.
Vì lối xây dựng tầng cao càng thu hẹp, nên tường phía trong tháp cũng uốn theo và thu nhỏ dần, vòm lại theo hình chóp nón và nối với nhau ở viên gạch cuối cùng. Lòng tháp Nhạn có diện tích khoảng 25m2, đứng từ trong nhìn lên thấy không gian vừa cao rộng, vừa sâu thẳm huyền bí.
Qua sự tàn phá của thời gian và chiến tranh, nhiều phần của Tháp Nhạn ở Phú Yên bị hư hỏng nặng, nhưng nhờ được sự trùng tu, tôn tạo của chính quyền tỉnh Phú Yên, tháp được phục dụng lại nguyên gốc và mang một vẻ đẹp mới.
Tháp Nhạn ở Phú Yên là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử cao của người Chăm và đây cũng là một thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thê thao – Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 16 tháng 11 năm 1988.
Nếu đến Tuy Hòa mà chưa đặt chân tới tháp Nhạn thì coi như bạn chưa đến thành phố này. Đó là quan niệm của nhiều người khi nói về di sản bên bờ sông Đà Rằng.
0
Trả lời