Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng ở Tuyên Quang được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi nó hàm chứa những giá trị của di sản về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và tính cố kết cộng đồng.
Theo các tài liệu, đền Hạ được xây dựng vào năm 1738, còn đền Thượng vào năm 1767 (có tài liệu cho rằng năm 1801). Hiện ngôi đền còn giữ được nhiều cổ vật: Một quả chuông đúc năm 1820, một chiếc khánh năm 1835, một số bức hoành phi năm 1866, 1943…
Từ năm 2007 đến nay, lễ hội rước nước đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu Ỷ La được khôi phục vào dịp đầu xuân hằng năm, từ ngày 11 – 16/2 âm lịch. Lễ rước Kiệu Mẫu bắt đầu từ đền Mẫu Ỷ La ra đền Hạ, tiếp đến lễ rước Kiệu Mẫu từ đền Thượng qua sông về đền Hạ để cùng hợp tế. Đây là lễ hội với các nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng, biết ơn của nhân dân thành phố Tuyên Quang, khách thập phương với Thánh Mẫu và các vị Thần, cầu cho một năm mới có cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.
Sách Đại Nam nhất thống chí, thần tích Đền Ỷ La và truyền thuyết dân gian đều kể lại: Xưa có hai nàng công chúa con vua Hùng là Phương Dung và Ngọc Lân, một hôm theo xa giá đến bên bờ sông Lô (thuộc thôn Hiệp Thuận) đỗ thuyền. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hóa, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ… Đến triều vua Cảnh Hưng, ngày 29 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1738) đền được xây dựng quy mô hơn. Tiếp đến, ngày 28 tháng 10 năm Đinh Hợi (1767), nhân dân lại xây thêm một ngôi đền nữa về bờ tả sông Lô, phía thượng nguồn, thuộc chân núi Dùm đặt tên là Đền Thượng.
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng ở Tuyên Quang là Lễ hội truyền thống không chỉ riêng của người dân thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh, được người dân bảo tồn và phát triển liên tục trong chiều dài lịch sử của thành phố.
0
Trả lời