Những lễ hội lớn trong tháng 2 sẽ tiếp tục cuộc du xuân rộn ràng nô nức khắp mọi miền.
Hội chùa Trầm
Hàng năm hội chùa Trầm diễn ra vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm, với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, bàn cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà… Người dân tới lễ chùa Trầm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành thịnh vượng. Điều đặc biệt là vào dịp lễ hội này, dân làng tổ chức lễ rước ảnh Bác Hồ, gợi nhớ tới năm xưa Bác từng bốn lần đến thăm chùa. Trong những ngày cuối tuần cũng có hàng trăm người đến vãn cảnh thăm chùa. Núi Trầm, Chùa Trầm là một điểm quan trọng trong du lịch Hà Nội, một địa chỉ văn hóa – lịch sử thu hút ngày càng nhiều du khách gần xa.
Hội làng Mọc
Cứ 5 năm một lần, từ ngày 10-11 tháng 2 âm lịch (năm nay rơi vào 26-27/3), dân làng Mọc xưa nay là năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Quan Nhân (quận Thanh Xuân) và Phùng Khoang (quận Từ Liêm) lại cùng nhau tổ chức lễ hội cầu cho quốc thái dân an.
Theo lệ xưa, các làng sẽ luân phiên nhau một làng trực đại hội, bốn làng còn lại rước kiệu đến tế lễ tại đình làng có phiên trực hội. Đại hội năm nay do nhân dân làng Giáp Nhất trực. Vào ngày chính hội 11/2, nhân dân các làng tổ chức rước kiệu các Thánh du xuân và thưởng lãm cảnh quan của 5 làng.
Lễ hội Tây Thiên
Những lễ hội lớn trong tháng 2 phải kể đến lễ hội Tây Thiên diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 2 âm lịch. Ngày này, hàng vạn người dân trong vùng, du khách thập phương nô nức kéo về, trước là để thắp hương tưởng nhớ Quốc mẫu, sau là xem các hội diễn cổ, leo núi thưởng ngoạn danh thắng…Tây Thiên – Tam Đảo là quần thể danh thắng nổi tiếng một vùng, bởi lẽ nơi đây hội tụ cả 3 yếu tố: Tâm linh – tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên. Chính vì vậy không chỉ mùa lễ hội, mà Tây Thiên thu hút du khách thập phương quanh năm. Những ngày nghỉ hè nóng bức, hàng đoàn học sinh, sinh viên đến với Tây Thiên để được lội suối, leo núi và ngắm cảnh rừng nguyên sinh
Lễ hội Quán Thế Âm
Lễ hội này diễn ra vào dịp 19/2 Âm lịch hằng năm. Đây là dịp để đạo hữu nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật và truyền thống văn hóa của địa phương gắn với danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
0
Trả lời