Bà ngoại Karin từng ngồi cạnh tôi trên chuyến bay xuyên lục địa đến New York. Cũng có lần chúng tôi nằm chung một toa nằm trên con tàu đêm băng qua Châu Âu đến Venice.
Đôi khi, bà dẫn theo thằng cháu trai bé nhỏ trên bus cũ kỹ đi ngang dọc hòn đảo Síp tươi đẹp bên bờ biển Địa Trung Hải.
Cái thời ngày xa xưa ấy, tôi chỉ nhớ mình còn rất nhỏ, bà đã đưa tôi đi du lịch khắp mọi nơi. Châu Âu, Mỹ, Canada, và sợi chỉ duy nhất kết nối những ký ức ấy chỉ có một: Karin và những chiếc bánh sandwich tự tay bà làm.
2015. Ở cái độ tuổi 76, hơn đứa cháu của mình 40 tuổi nhưng bà tôi vẫn tưng tửng như ngày nào. Mẹ tôi vẫn thường kể bà một thân một mình nuôi mẹ khôn lớn, và ngay từ khi mẹ tôi còn bé, bà tôi đã “điên” thế rồi. Dĩ nhiên là theo chiều hướng tích cực. Khí đó Karin sống ở Đông Đức, và thế giới duy nhất mà bà biết đến trên bản đồ chỉ có Đông Đức. Khi bức tường Berlin sụp đổ trong đêm thứ Năm ngày 9 tháng 11, rạng sáng thứ Sáu ngày 10 tháng 11 năm 1989 sau hơn 28 năm tồn tại, thế giới cũ của Karin đã sụp đổ, không bao giờ còn như xưa nữa.
Từ cái ngày 10 tháng 11 năm 1989, chẳng có thứ quyền lực gì có thể cản trở bà, và cả tôi – đứa cháu trai bà yêu nhất mực ngừng đi khám phá thế giới này.
Tua nhanh đến gần 30 năm sau, du lịch giờ đã thay đổi nhiều. Mua vé máy bay qua điện thoại, đặt phòng khách sạn trên mạng, một cuộc phiêu lưu đáng nhớ đôi khi chỉ cách xa chúng ta một cái vuốt tay nhẹ trên smartphone. Nhưng những thứ ấy hoàn toàn xa lạ với bà tôi. Vậy nên vào một ngày đẹp trời, tôi thầm nhủ, ta sẽ cho bà thấy du lịch hiện đại là như thế nào. Không đi du lịch theo tour nữa, không đặt trước mà hoàn toàn ngẫu hứng, tại chỗ, nhờ đủ mọi thứ Apps trên trời dưới biển trong chiếc smartphone. Đã đến lúc, đứa cháu “bé nhỏ” cho bà thấy, du lịch bây giờ là như thế nào.
Giờ đây, đại lý du lịch không nằm ở một con phố trung tâm đắt tiền nữa, mà nằm trên mạng. Mở cửa 24/7. Không nhân viên, không đợi chờ. Những quyển sách hướng dẫn du lịch đã một thời đưa bà tôi đi khắp thế giới, nay đã bị thay thế bằng các cổng thông tin điện tử như Tripadvisor hay Holidaycheck.
“Khách sạn mình ở tên gì thế ?”, bà tôi hỏi khi cả hai vừa bước lên tàu – con tàu siêu tốc ICE của Đức với tốc độ hơn 300km/h khởi hành từ Berlin qua Frankfurk, rồi chuyển tiếp đến Marseille và hướng tới thành phố Nice nằm bên bờ Côte d’Azur xanh như ngọc bích ở miền Nam nước Pháp.
Một chuyến đi dài qua đêm, nhưng thân thiện với môi trường, theo như lời của app Qixxit dành cho smartphone của hãng Deutsche Bahn cho hay. Hàm lượng khí thải CO2 chỉ 38kg/người, nếu so sánh với 280kg/người khi đi bằng máy bay. Ôi Nice với khí hậu ấm áp dễ chịu, cảnh quan tuyệt đẹp với đại lộ đầy cọ trải dài trên bờ biển, như Promenade des Anglais (đường đi dạo của người Anh) dài khoảng 6km dọc theo bờ biển mà bà tôi đã từng đến 20 năm trước. Karin vẫn nói về nó một cách say mê cho đến tận ngày nay.
“Cháu vẫn chưa biết”, tôi trả lời bâng quơ và lôi smartphone ra, gõ dòng chữ www.booking.com trên trình duyệt điện thoại. Tôi đã lừa bà là mình đặt trước phòng, nhưng giờ bà mới biết được sự thật là ngay vào giây phút câu hỏi ấy bật ra, tôi mới bắt đầu tìm khách sạn. Karin lườm tôi cháy mặt. Nhưng chỉ chưa đến năm phút sau, tôi đã tìm thấy một khách sạn ở trung tâm thành phố, sạch sẽ, đẹp và có nhiều phản hồi tích cực của khách.
Tôi ấn màn hình thêm lần nữa. Phòng đã đặt xong. Bà lắc đầu ngán ngẩm, “Thế rốt cục mình in ra ở đâu?”
Thế đấy, mà thậm chí bà tôi có phải người mù mờ công nghệ gì đâu. Ở nhà lúc nào bà chả dùng Ipad nhoay nhoáy, nhắn tin suốt ngày. Thế rồi tự nhiên không đợi tôi trả lời, bà tự nói một mình vào không trung tiếp, như thể chẳng cần tôi trả lời, “Mà mày đã nhìn thấy cái điện thoại mới Galaxy S6 của Samsung chưa, Thilo?”
Trên đường từ nhà ga đến khách sạn tôi dán mắt và chiếc điện thoại để tra đường trên Google Map. Karin thì đi tung tăng phía trước, vừa đi vừa đọc to những tên con đường bằng tiếng Pháp, Avenue des Fleurs, Boulevard Victor Hugo… Bà ngắm nghía những cửa hàng ven đường một cách say sưa, “Trời đất, cái này đẹp dữ”. Hay, “Đúng là chỉ ở miền Nam mới có kểu này”.
“Ê Thilo, lại đây nhìn này. Hai cây cọ khổng lồ nằm giữa bãi đỗ xe. Khùng thật”. Tôi gật gù, “Vầng vầng”.
“Ở ngã tư tới mình rẽ trái”, tôi nhắc bà như một con vẹt theo lời Google Map. “Thế này thì phá được gì chứ hả?”, bà cằn nhằn, “Đi du lịch là phải để mình lạc lối” – thế rồi Karin tiếp tục rẽ phải, bất chấp những gì Google chỉ dẫn.
Trên chiếc điện thoại của tôi, một con đường mới đến khách sạn lại được tính toán. Còn ở ngoài cái phạm vi hai chiều hạn hẹp của nó, những con đường đẹp đẽ, lát đá phẳng phiu, với những quán cà phê nho nhỏ lướt qua tầm mắt chúng tôi. Tôi có thể cảm nhận được luồng không khí mát rượi của gió biển thấm vào từng lỗ chân lông, trên cao kia trời một màu xanh biếc hoàn hảo. Cuối cùng chúng tôi cũng đến khách sạn, một Villa cổ kính, dù muộn hơn dự tính.
Khi tôi bảo bà là mình sẽ chụp ảnh tự sướng để up lên Instagram, Karin nói, “Thì cứ chụp một cái ảnh cho mọi người ở nhà xem đi”. Thế rồi bà chạy đến hồ bơi trước cửa khách sạn và gọi tôi rối rít, “Thilo! Ở đây có cả đùa biển này”.
Tôi cười ngặt nghẽo, bảo bà rằng đây chỉ là con rô-bốt dọn bể bơi thôi bà ơi rồi post câu đó lên Facebook cá nhân. Cho đến tối, status này được tổng cộng 56 Like. “Bà nói buồn cười quá bà ạ”, tôi chỉ cho bà Facebook của mình và giải thích rằng, bạn bè nhờ mạng xã hội mà cũng được dõi theo những chuyến du lịch của tôi.
“Đừng có mà làm thế, xấu hổ bà quá thể. Mà mày đi du lịch với bà chứ đi với bạn mày đâu.”
Hôm sau tôi định tìm trên Instagram xem ở đây có chỗ nào đẹp để đi chơi không. Tôi tìm theo Hashtag #Nice và thấy rất nhiều ảnh đẹp của đại lộ bên bờ biển. “Mình đi dạo ở đại lộ bên bờ biển thôi.”
“Có thế mà cũng phải lần mò tra trên mạng. Mù công nghệ như bà thì cũng biết đi ra biển thì biển là chỗ đẹp nhất.”
Lúc ngồi trong một quán cà phê bên bờ biển, tôi định tìm chỗ ngủ tối nay. Không chơi khách sạn nữa. Điều đặc biệt là tôi muốn giới thiệu bà với Airbnb, một trong những hướng dẫn viên du lịch trung thành nhất của tôi – nơi tôi có thể kiếm chỗ ngủ đáng tin cậy ở những người lạ. Bà nhìn tôi với ánh mắt như kiểu tôi vừa nói ra một thứ tiếng của người ngoài hành tinh.
Mặc kệ ánh mắt ấy, tôi đã tưởng tượng ra mình đánh một giấc ngon lành trong một căn nhà đá cổ kính ở Riviera và thu hẹp dần những tiêu chí chọn lựa của mình: Mạng ở đây chậm quá, mãi không load nổi. Tôi chỉ nghe loáng thoáng bà la lên, “Nhìn kìa Thilo, biển kìa đẹp chưa”. Nhưng tôi không ngẩng lên, với nỗi sợ hãi rằng trong một giây phút ngắn ngủi nhấc mắt ra khỏi điện thoại ấy, một căn nhà đẹp đẽ sẽ bị kẻ khác cướp mất, tuột mất ra khỏi tầm tay.
Ngay khi đã đặt phòng xong, tôi không dám nói với Karin là mình vẫn chưa nhận được thư xác nhận của chủ nhà. Điều này làm tôi vô cùng lo lắng. Có chút tức giận. Chỉ còn hai tiếng nữa là đến giờ nhận phòng nhưng vẫn chưa có thư mới. Có những khi mạng Internet làm chúng ta dễ thở hơn khi du lịch, những cũng có những lúc ngược lại như thế này đây. Công nghệ thông tin giúp ích cho việc du lịch quá nhiều: đặt vé trước, mua vé trên mạng ngẫu hứng, chẳng phải xếp hàng ngoài ga. Chọn được những quán ăn ngon, giá cả phải chăng mà không bị lừa nhờ phản hồi của những khách du lịch đi trước. Tìm những chỗ đẹp. Tôi nghĩ mình khó có thể đi du lịch mà thiếu nó. Thế rồi trong lúc mông lung ấy, tôi nhớ đến bà tôi – cho đến ngày hôm nay, bà vẫn luôn đi du lịch mà không hề có Smartphone hay Internet. 25 năm trước vẫn thế, bây giờ vẫn vậy. Và bà chẳng bao giờ bỏ lỡ thứ gì, tất cả chỉ nhờ bản năng của một con người yêu thế giới và du hành. Bà đi lạc và để bị cuốn đi, đến những bất ngờ của chân trời mới.
Cuối cùng thì chúng tôi không đặt phòng được qua Airbnb vì gã chủ nhà không hề nhắn tin lại. Tôi đành thú nhận với Karin rằng vẫn chưa tìm được chỗ ngủ hôm nay. “Giờ thì sao?”, bà hỏi với một vẻ mặt bình thản, thậm chí có phần nhẹ nhõm. Có lẽ, chỉ ý nghĩ phải ngủ ở nhà của một người lạ đã đủ làm bà tôi cảm thấy bất an.
“Mở cái chương trình kia ra và đặt phòng khác đi chứ còn gì nữa”, ý bà ám chỉ trang booking.com, “Nhưng sau đó là không có Internet gì nữa đâu đấy”.
Trong mắt Karin, tôi vẫn chỉ là thằng cháu bảy tuổi to đầu, nãy giờ mải mê ngồi xem ti-vi quá lâu mức cho phép của người lớn. Tôi tìm và đặt được phòng trong năm phút.
Mười phút sau chúng tôi đã đứng trước cửa khách sạn – một ngôi nhà nhỏ nằm khiêm tốn trên quả đồi vắt qua Nice. Nhanh đến mức, bà chủ thuê phòng cũng sửng sốt. Ga trải giường thậm chí còn chưa được thay khi tôi bước vào phòng.
Bóng đêm đổ ập xuống vùng Riviera nước Pháp.
Tôi định nhờ cậy dến sự giúp đỡ của Tripadvisor để tìm một quán ăn tử tế nhưng Karin đã nhanh tay cản lại, “Dừng lại ngay Thilo. Không nghịch điện thoại nữa”. Và cứ thế tay không, chúng tôi rời khách sạn, để mình lạc lối giữ những con phố nhỏ, mà với tôi trông cái nào cũng như cái nào. Leo cầu thang lên, leo cầu thang xuống. Mất 40 phút chúng tôi mới tìm thấy một quán ăn được được. 40 phút tôi và bà ôn lại những kỉ niệm xưa, về chuyến bay sang New York, con tàu đêm đến Venice, chiếc xe bus ở đảo Síp. Khi qua đường, bà vẫn nắm tay tôi như hồi bé, vì sợ tôi sẽ chạy và bị xe đâm.
Những người bà của chúng ta là thế, cho dù những đứa cháu đã lớn tướng bao nhiêu tuổi, vẫn là những đứa con nít bé bỏng cần được che chở.
Trong quán ăn đẹp đẽ ấy, Karin và tôi ăn, uống vang đỏ. Tôi mở chiếc Smartphone một lần cuối và chạy chương trình Google Translator, một phần mềm phiên dịch giúp tôi hiểu anh bồi bàn với thứ tiếng Pháp đặc sền sệt, nhanh như gió. Tôi giơ chiếc smartphone trước mặt và nói, nhưng trái với những gì tôi nghĩ, thứ phát ra từ nó chỉ là một thứ tiếng Pháp cơ khí, lạnh ngắt và vô cảm. Anh bồi bàn tiếp tục nói thứ tiếng Pháp còn nhanh hơn lúc đầu, do có phần nào thiếu kiên nhẫn. Tôi nói vào trong điện thoại, “Vui lòng cho hai tách Capuccino”, nhưg anh ta không hiểu. Đúng lúc ấy, tiếng bà tôi từ tốn cất lên, “Deux Cafés Crème, s’il vous plait.” Hoàn hảo và quyến rũ. Bà ngoại tôi đấy, Google có làm được như vậy không?
( Theo bài viết của phóng viên Thilo Mischke của tạp chí Mobil, được biên tập và chỉnh sửa bởi phóng viên phóng tạp chí Mannup.vn )
0
Trả lời