Tháng Giêng luôn là thời điểm để mọi người đi lễ chùa và vui chơi tại các lễ hội. Dưới đây là kinh nghiệm hành hương chùa Yên Tử đầu năm cho chuyến đi du xuân của bạn.
Cách Hà Nội khoảng 130 km, khu di tích vầ danh thắng Yên Tử hàng năm vẫn thu hút hàng triệu lượt khách tới tham quan, lễ Phật.
Chùa Yên Tử, Quảng Ninh là một trong những ngôi chùa lớn ở Việt Nam. Chùa Yên Tử nổi tiếng rất linh thiêng. Trên đỉnh núi thiêng Yên Tử còn có một khu di tích lịch sử với những ngôi chùa và tháp cổ cùng rừng cây cổ thụ lâu đời. Đỉnh Yên Tử cũng trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, tu hành và lập ra giáo phái Phật giáo có tên là Thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Bạn có thể hành hương chùa Yên Tử đầu năm bằng xe máy, ô tô (riêng) và cả xe buýt. Với các bạn từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh đi Yên Tử bằng xe máy thuận tiện nhất.
Đến Yên Tử, bạn có thể đến vào bất kỳ thời gian nào trong năm nhưng thông thường khách đến Yên Tử chia thành 2 mùa rõ rệt: Từ 1/ 1 đến hết tháng 3 âm lịch là khách đi lễ hội (Lễ hội Yên Tử bắt đầu từ 10 tháng 1 âm lịch nhưng kể từ ngày 1 Tết khách đến Yên Tử đã rất đông) còn từ 30/4, 1/5 dương lịch trở đi hầu hết là khách du lịch.
Thời gian hành hương chùa Yên Tử đầu năm hợp lí nhất là 1 ngày 1 đêm. Còn không, bạn có thể sáng đi và về trong ngày. Bạn cũng nên cân nhắc và lưu ý, vì đi vào dịp lễ hội sẽ rất đông đúc, còn nếu chọn đến Yên Tử vào những ngày thường thì nơi đây khá vắng vẻ, yên tĩnh, không khí trong lành rất sảng khoái.
Có 2 cách để bạn lên núi Yên Tử : đi cáp treo hoặc leo bộ.
- Núi Yên Tử có 2 tuyến cáp treo được đặt cách nhau khoảng 3km. Điểm đầu của tuyến cáp treo thứ 1 cách chân núi Yên Tử khoảng 1,5km. Cáp treo là sự lựa chọn hoàn hảo cho khách du lịch có ít thời gian tham quan.
- Leo bộ : bạn sẽ mất khoảng 6 tiếng đồng hồ cho hành trình leo bộ của mình với khoảng 6000m.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn biện pháp kết hợp giữa leo bộ và đi cáp treo để thưởng thức phong cảnh nơi đây đa dạng hơn. Bạn có thể chọn đi cáp treo 1 lượt lên hoặc 1 lượt xuống, tùy vào hành trình mà bạn muốn tham quan.
Lịch trình tham quan: Thiền viện – cầu Giải Oan – chùa Giải Oan – chùa Hoa Yên – chùa Một Mái – chùa Bảo Sái – An Kỳ Sinh và tượng Phật Hoàng – chùa Đồng – An Kỳ Sinh – chùa Bảo Sái (xuống cáp treo) – chùa Hoa Yên – chùa Giải Oan – xuống lại bãi gửi xe.
- Giá vé các dịch vụ ở Yên Tử
- Giá vé buýt 16 chỗ từ đền Trình vào Yên Tử: 20.000 đồng/ lượt
- Giá vé xe điện từ bãi đỗ xe vào chân núi: 10.000 đồng/ lượt
- Phòng ngủ riêng: từ 150.000 đến 500.000 đồng/ phòng.
- Phòng ngủ tập thể: từ 100.000 đến 180.000 đồng/ giường
- Dịch vụ nhà hàng: từ 40.000 đến 80.000 đồng/ suất ăn (có cả ăn chay và ăn thường).
- Giá vé cáp treo Yên Tử
- Nếu đi cáp treo bạn nên mua trọn 2 tuyến, đi cáp treo chỉ lên đến tượng An Kỳ Sinh vẫn phải leo bộ một đoạn khoảng 200 m đường mòn. Cách mà nhiều người đi nhất là leo bộ lên chùa Đồng rồi mua cáp treo 1 chiều xuống, không nên mua cáp treo giữa đường vì giá đắt.
Tuyến 1 (Giải Oan – Hoa Yên): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người
Tuyến 2 (Một Mái – An Kỳ Sinh): Một chiều 120.000 đồng/ người – Khứ hồi 200.000 đồng/ người
Cả 2 tuyến: Một chiều 120.000 đồng/ tuyến/ người – Khứ hồi: 280.000/ người
Lưu ý: Miễn phí vé cho trẻ em dưới 6 tuổi (cao dưới 1m2), người già trên 70 tuổi (mang theo giấy tờ tùy thân), tăng ni, thương binh (xuất trình thẻ).
0
Trả lời