Lễ hội Tây Thiên diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 2 âm lịch.
Lễ hội Tây Thiên được diễn ra mỗi năm một lần trong khu di tích danh thắng Tây Thiên tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu di tích danh thắng Tây Thiên là một quần thể bao gồm nhiều hệ thống chùa, thiền viện, đền thờ và danh lam thắng cảnh kỳ vĩ. Theo nhiều tư liệu nghiên cứu, vào khoảng 2300 năm trước Công Nguyên, nơi đây đã có chùa “Tây Thiển cổ tự”, là một trong những cái nôi tổ của Phật giáo Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tại đây cũng là thiền viện lớn nhất của cả nước.
Quốc mẫu tên thật là Lăng Thị Tiêu, người được Hùng Chiêu Vương thứ 7 lập làm Chính Vương Phi, có công giúp Vua dẹp giặc, mở mang bờ cõi, phát triển nông nghiệp. Xong công việc, Bà lại trở về quê hương tại thôn Đông Lộ – xã Đại Đình – huyện Tam Đảo ngày nay, rồi “hoá” tại đây.
Như vậy, Quốc Mẫu Tây Thiên vừa là con người của huyền sử, vừa là con người thật với lai lịch rõ ràng. Tưởng nhớ công đức của Bà, nhân dân trong vùng lập đền thờ để hương khói hàng ngày. Bao đời nay, các triều đại phong kiến từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Người là: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế.
Khu trung tâm lễ hội nằm dưới chân núi Tam Đảo, trong khu vực Đền Thõng (Đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên) xã Đại Đình, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng diện tích 160,4ha. Đây là một thung lũng rộng đẹp, thuận lợi cho việc xây dựng. Bố cục không gian kiến trúc cảnh quan mang đậm bản sắc văn hóa dân gian và văn hóa phật giáo Việt Nam theo chủ đề: “Đến với Phật, về với Mẫu”. Không gian kiến trúc theo quan niệm truyền thống: Công trình chính dựa lưng vào dãy Tam Đảo, xuất phát từ Tượng Phật của Khu Thiền viện, mở trục ra hướng Tây Nam với minh đường là ngã ba Hạc (hợp lưu của sông Lô và sông Hồng), bình phong là dãy núi Đà Bắc (Hòa Bình). Bên tả có cụm núi phía đông, bên hữu là hồ cảnh (mở rộng suối Thông).
Về Tam Đảo đúng dịp lễ hội Tây Thiên, du khách thập phương vừa được thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên, chiêm bái, khơi dậy đạo lý uống nước nhớ nguồn; vừa được tham gia nhiều hoạt động hội hấp dẫn như: lễ hội hoa đăng, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống như đấu vật, các hoạt động thi bóng chuyền, bóng đá…
Lễ hội Tây Thiên có 2 phần: phần lễ và các trò chơi dân gian. Phần lễ tại Lễ hội Tây Thiên gồm lễ cáo, lễ rước kiệu, lễ dâng hương, múa xênh tiền, hoạt cảnh chèo mô tả lại truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên đánh đuổi giặc ngoại xâm thống nhất gian sơn,… Những hoạt động dân gian trong Lễ hội Tây Thiên có thể kể đến như thi hát dân ca người Sán Dìu, thi làm bánh chưng, bánh dày, thi nấu cơm, thi hú đáo, kéo co, chọi gà,…
0
Trả lời